(eFinance Online) - Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một trong ba trụ cột chính của chế độ hưu trí trên thế giới hiện nay. Đây là các chương trình hưu trí bổ sung với đối tượng tham gia là người lao động muốn tăng thêm quyền lợi hưu trí ngoài hưu trí doanh nghiệp, người lao động tự do, nông dân... Ở Việt Nam, đây là một hình thức bảo hiểm mới và đang thu hút không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm mà cả người dân.
Sáng nay, 24/4, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo Bảo hiểm hưu trí tự nguyện - Kinh nghiệm quốc tế và quy định pháp lý tại Việt Nam. Tham gia hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cùng các chuyên gia đến từ các tập đoàn lớn như Prudential (Anh), AIA, Manulife (Hồng Kông, Trung Quốc), Dai-ichi (Nhật bản).
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Hướng đi mới tại Việt Nam
Vấn đề bảo hiểm xã hội và bảo hiểm hưu trí (BHHT) là một trong những nội dung chính sách rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, BHHT có khá nhiều đối tượng tham gia với cơ chế là bảo hiểm bắt buộc. Các chương trình này thường hoạt động trên nguyên tắc cân bằng thu chi trong từng năm. Quỹ hưu trí không có dự trữ hoặc nếu có thì dự trữ thường nhỏ và không đủ để chi trả cho những quyền lợi hưu trí trong tương lai. Đây là một kênh, một trụ cột rất quan trọng mang tính chất của khu vực Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi đất nước ngày càng phát triển, thu nhập người dân khá hơn, dân số đang được đánh giá là trẻ nhưng sẽ già đi theo năm tháng và gánh nặng trách nhiệm của Nhà nước, xã hội đối với những người hưu trí, những người có rủi ro sẽ ngày càng lớn.
Hiện nay, Việt Nam là một nước có mật độ dân số lớn và tốc độ phát triển dân số nhanh. Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế, dân số Việt Nam đang ở đầu thời kỳ dân số vàng, với hơn 50 triệu dân số đang trong độ tuổi lao động. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ và sức khoẻ của người dân ngày càng tăng lên. Từ đó, sự cần thiết phải có các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu được chăm lo các điều kiện cá nhân của người dân ngày càng cao. Do vậy, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào, bên cạnh sự bảo trợ của Nhà nước thông qua chương trình bảo hiểm xã hội hay BHHT bắt buộc, luôn có BHHT bổ sung để đáp ứng tối đa nhu cầu chăm sóc người dân khi đến tuổi về hưu, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Nắm bắt được xu hướng chung của thế giới, thời gian qua, Bộ Tài chính - cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp là Cục Giám sát, Quản lý Bảo hiểm đã phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu các hình thức BHHT tự nguyên ở Việt Nam trong thời gian tới đây, đồng thời gấp rút xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thiết lập Quỹ hưu trí tự nguyện và triển khai BHHT.

|
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh H.Vân |
"Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, hình thức BHHT tự nguyện bổ sung, thông qua việc mua các sản phẩm bảo hiểm hoặc đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện là hướng đi rất đúng đắn, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm trụ cột bảo hiểm của cả nước và đặt ra cơ hội mới cho mọi người tham gia vào hoạt động BHHT, tạo điều kiện cho mọi người có được thêm những nguồn thu nhập ổn định và cao hơn trong tương lai khi đến tuổi về hưu hoặc gặp trường hợp rủi ro", Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.
Theo Thứ trưởng, hiện nay trên thế giới, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ngày càng chiếm vai trò quan trọng, kể cả đối với việc triển khai mô hình ủy thác hay BHHT tự nguyện vì rất nhiều những ưu điểm lớn. Tại Việt Nam, hiện có 15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phần lớn đều là các công ty đa quốc gia, hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp này đều có kinh nghiệm triển khai BHHT tại nhiều nước trên thế giới. Đối với điều kiện hiện tại của Việt Nam, để có thể sớm thúc đẩy chương trình BHHT tự nguyện thì cần lựa chọn mô hình trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ...
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về hoạt động bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ và những góp ý cho cơ quan quản lý để sớm hoàn thiện chính sách về BHHT tự nguyện. Bởi theo ông Desmond Chan - Giám đốc Chiến lược Hưu trí - Bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp Tập đoàn AIA: "Bắt đầu càng sớm, mọi người càng có lợi".
Hành lang pháp lý đủ mạnh nhưng không quên yếu tố thu hút
Xét về phương diện pháp lý, Luật kinh doanh bảo hiểm đã cho phép các DN bảo hiểm được triển khai sản phẩm BHHT tự nguyện, Nghị định của Chính phủ cũng đã có quy định cụ thể hơn về những sản phẩm này, song điều quan trọng cần phải có cơ chế mà trực tiếp ở đây là phải "thiết kế sản phẩm bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam và cũng đảm bảo tính hiệu quả của sản phẩm này đối với các DN bảo hiểm".
Với định hướng trên, Thông tư hướng dẫn "khoanh vùng", chỉ có DN bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng, biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng), đáp ứng được các điều kiện về công nghệ thông tin, kinh nghiệm triển khai và quản trị điều hành mới được trển khai sản phẩm này. DN bảo hiểm phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện không thấp hơn 200 tỷ đồng và không được rút số tiền này ra khỏi quỹ hưu trí tự nguyện. Đây là một trong những quy định được các đại biểu tham gia hội thảo đánh giá cao, bởi trước khi Thông tư được đưa ra đã có nhiều ý kiến hoài nghi về tính chất đảm bảo của loại hình này. - "Bộ Tài chính đã rất cẩn trọng khi xem xét yếu tố năng lực của doanh nghiệp được tham gia cung cấp dịch vụ, nhằm đề phòng những trường hợp rủi ro với các DN bảo hiểm chưa đủ khả năng", các đại biểu cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng siết chặt trong công tác quản lý quỹ hưu trí tự nguyện. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các DN bảo hiểm triển khai sản phẩm BHHT phải ủy thác cho công ty quản lý quỹ hoặc thuê công ty quản lý quỹ để quản lý danh mục đầu tư các tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện. Để quản lý danh mục đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện, Bộ Tài chính cũng đưa ra quy định về kinh nghiệm và trình độ của các cán bộ đầu tư của các công ty quản lý quỹ.
Ngoài ra, công ty quản lý quỹ phải mở, quản lý tách biệt các tài sản đầu tư từ quỹ hưu trí tự nguyện của DN bảo hiểm với các quỹ khác của DN bảo hiểm và của các khách hàng. Với mục tiêu đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện phải an toàn, thận trọng, tài sản đầu tư phải tương xứng với trách nhiệm và đặc thù rủi ro của BHHT, các DN bảo hiểm sẽ không được đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán, không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý.
Cũng với ý nghĩa mang lại lợi ích nhiều nhất cho người trực tiếp sử dụng, cũng như doanh nghiệp cung cấp sản phẩm BHHT tự nguyện, Bộ Tài chính cũng đưa ra các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước đối với sản phẩm này, tiêu biểu nhất là trên lĩnh vực thuế. Cụ thể, về phía người lao động, các khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện sẽ được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (theo quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập cá nhân dự kiến hiệu lực từ 1/7/2013, số tiền phí đóng góp được khấu trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế là 1 triệu đồng/tháng hay 12 triệu đồng/năm). Về phía chủ sử dụng lao động, phần phí đóng góp cho người lao động cũng sẽ được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những tổng kết kinh nghiệp chính từ các nước mà ông Desmond Chan chia sẻ. Theo ông, do tính chất tự nguyện của việc tham gia và đóng góp vào quỹ hưu trí, điều quan trọng là cần phải có các chính sách ưu đãi thuế phù hợp đối với các khoản đóng góp của người lao động và sử dụng lao động. Đồng thời nên xây dựng hệ thống hưu trí tự nguyện càng đơn giản càng tốt trong lúc đảm bảo cho tài sản được bảo vệ một cách đúng đắn...
"Những người làm chính sách không kỳ vọng trong thời gian ngắn sản phẩm này sẽ phát triển nhanh, nhưng tôi cho rằng đây là sự khởi đầu quan trọng, nếu chúng ta triển khai bắt đầu tư hôm nay, những thời gian tiếp theo sẽ có được sản phẩm bảo hiểm có ý nghĩa cho nền kinh tế và cho phát triển an sinh xã hội của đất nước", Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định.
Theo Báo điện tử eFinance