(eFinance Online) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khi trả lời câu hỏi của các nhà báo tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2013 của Bộ Tài chính, diễn ra sáng qua (19/7), tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng, với chức năng của mình, ngành Tài chính luôn nỗ lực, cố gắng, với tinh thần bám vào pháp luật, bám vào thực tiễn sản xuất kinh doanh để hàng năm đưa ra dự toán thu chi tích cực, sát thực tiễn nhất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc thu chi có nhiều biến động phức tạp do quy mô thu chi rộng tới tận các địa phương. Hơn nữa, tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp ngừng đầu tư dự án, triển khai sản xuất, dẫn tới giảm đáng kể ước tính thu ban đầu của Bộ.
“Việc xây dựng dự toán thường được tiến hành từ tháng 7 năm trước, vì vậy nhiều khi do các yếu tố tác động từ bên ngoài, cũng như từ những nguyên nhân nội tại, bức tranh của năm trước khi được nhìn nhận tại thời điểm này không thể tuyệt đối chính xác 100% được”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Hạn chế việc ban hành các chế độ, chính sách làm tăng chi NSNN
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Chi, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời…
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,9%; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính điều này tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính - ngân sách năm 2013.
Để đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, cân đối NSNN mang tính khả thi trong điều kiện giảm thu lớn do nhiều nguyên nhân, trong những tháng còn lại của năm 2013, theo ông Chi, trước mắt nên dừng ban hành các chính sách làm giảm thu NSNN. Giao Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu, ưu tiên giữ thuế để đảm bảo thu ngân sách; Hạn chế thấp nhất việc ban hành các chế độ, chính sách làm tăng chi NSNN; chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương sớm rà soát để loại bỏ các chính sách, chế độ không phù hợp; Hạn chế việc ứng vốn các dự án đầu tư do khó khăn về cân đối ngân sách và huy động vốn; Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Điều hành ngân sách chủ động, tích cực phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Thực hiện nguyên tắc chia sẻ khó khăn giữa NSTW và NSĐP, các địa phương chủ động phấn đấu tăng thu và thu hồi nợ đọng để bù vào phần giảm thu do miễn, giảm, giãn thuế và các nguyên nhân khách quan khác...

|
Đại diện Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi của nhà báo.
|
Không dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm cho biết, theo Nghị định số 35/NĐ-CP, các hợp đồng đã ký kết mà có hồ sơ đầy đủ theo quy định thì sẽ được bồi thường thỏa đáng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số trường hợp bồi thường chưa kịp thời do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó các hồ sơ được bồi thường kịp thời phải đáp ứng được yêu cầu phân loại, xác định nguyên nhân mức độ tổn thất… Theo đó, bồi thường hay không phải phù hợp với quy định của hợp đồng.
“Từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bồi thường, phù hợp với quy định và pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang tiếp tục triển khai rộng rãi, do đó Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì và phối hợp với các địa phương triển khai chương trình và có báo cáo Chính phủ cụ thể về vấn đề này’,ông Khánh khẳng định.
Điều chỉnh giá xăng dầu là hợp lý
Xoay quanh vấn đề về lần điều chính giá xăng dầu ngày 17/7, nhiều nhà báo tham gia buổi họp báo cho rằng, giá xăng dầu trong 2 tháng có liên tiếp 3 lần tăng giá với chu kỳ đều dưới 30 ngày, thậm chí có lần chỉ cách 14 ngày liệu có đúng theo quy định?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, tần suất doanh nghiệp được phép tăng giá xăng dầu là 10 ngày, còn đối với điều chỉnh giá giảm thì có thể được phép bất kỳ lúc nào tính toán hợp lý. Giá cơ sở là giá tham chiếu theo giá thế giới được tính với chu kỳ bình quân 30 ngày. Hơn nữa thời điểm tăng giá xăng dầu vào buổi tối ngày 17/7 được áp dụng chung cho cả nước trên cơ sở phù hợp cho thống kê, tính toán lợi nhuận của các doanh nghiệp.
“Từ 28/6, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN tiếp tục kiềm chế giá và theo dõi tiếp vì giá xăng dầu biến động lúc tăng lúc giảm. Tuy nhiên, trước áp lực giá xăng dầu thế giới diễn biến tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương giao cho các DN rà soát điều chỉnh trần tối đa. Như vậy, Bộ đánh giá việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, hợp lý bám sát với giá thế giới”, ông Tuấn khẳng định...
Liên quan đến vấn đề tăng học phí và viện phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, sau khoảng 17 năm mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế cơ bản, việc tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng y tế để mọi người được hưởng chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cao. Nếu nâng giá viện phí tiệm cận với giá thị trường thì chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và các chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo sẽ tiệm cận ở mức 100%, đối tượng cận nghèo sẽ là 70%... Đối với học phí, theo Thứ trưởng, cần tăng có lộ trình, và đối với người nghèo, chính sách vẫn phải đảm bảo hỗ trợ tiền học phí. Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ với những học sinh, sinh viên nghèo qua đó tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các em học tập…
|
Theo Tạp chí Tài chính điện tử