Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cận nghèo
(eFinance Online) - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thuộc hộ nghèo mới thoát nghèo, không bị tái nghèo do phát sinh các chi phí điều trị ốm đau, bệnh tật và người thuộc hộ cận nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn đều được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Theo dự thảo, mức NSNN hỗ trợ bằng 100% mức đóng BHYT cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo, gồm người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/2013 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01/012013 chưa đủ 05 năm, thời gian còn lại được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, thời gian hỗ trợ thấp nhất là 01 năm; người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại vùng thuộc huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.

Đối với các đối tượng người thuộc hộ cận nghèo còn lại được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT theo quy định tại Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ (tối thiểu bằng 70% mức đóng BHYT).

Cũng theo dự thảo Quyết định, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; ngân sách trung ương hỗ trợ 50% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; các địa phương còn lại, bố trí từ ngân sách địa phương.

Về dự kiến kinh phí thực hiện, Bộ Tài chính cho biết, với mức NSNN hỗ trợ như dự thảo Quyết định, dự kiến trong năm 2013 sẽ có khoảng 3 triệu người cận nghèo tham gia BHYT; số kinh phí NSNN cần bố trí khoảng 1.306 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cận nghèo khoảng 382 tỷ đồng, các đối tượng còn lại khoảng 923 tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí gồm: Nguồn ngân sách trung ương, trong năm 2013 đã cân đối được khoảng 1.082 tỷ đồng, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của năm 2012 (trong đó: nguồn đã bố trí để hỗ trợ người cận nghèo; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp mà có mức sống ttrung bình năm 2012 chưa sử dụng chuyển năm 2013 khoảng 532 tỷ dồng; cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 dành khoảng 450 tỷ đồng; dự kiến sử dụng một phần từ nguồn viện trợ không hoàn lại của EU giai đoạn 2012 - 2014 khoảng 100 tỷ đồng); Nguồn ngân sách địa phương (gồm: các địa phương tự cân đối được NSNN và các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%) tự bố trí khoảng 224 tỷ đồng...

Trước đó (ngày 26/6/2012), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc gia đình cận nghèo, theo đó, kể từ ngày 01/01/2012, NSNN hỗ trợ tối thiểu bằng 70% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Thực hiện Quyết định này, hầu hết các địa phương đã thực hiện nâng mức hỗ trợ đóng bảo BHYT cho người cận nghèo bằng 70% mức đóng; nhiều địa phương đã trích kinh phí từ ngân sách địa phương để nâng mức hỗ trợ cho người cận nghèo từ 80% đến 100% mức đóng (Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Khánh Hoà, Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu…).

Mặc dù đã được hỗ trợ đến 70% mức đóng BHYT, tuy nhiên theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều người thuộc dạng hộ cận nghèo, nhất là người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống tại 62 huyện nghèo chưa có điều kiện tham gia BHYT, hoặc nếu có chỉ những người ốm đau, bệnh tật mới tham gia BHYT.

"Những năm qua Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ đối với 62 huyện nghèo (đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập…) nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ mới triển khai được gần 4 năm, người dân thuộc 62 huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn do các huyện đều nằm ở vùng núi, địa hình chia cắt, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, trình độ sản xuất lạc hậu… do vậy, kết quả thực hiện giảm nghèo chưa vững chắc và vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước", tờ trình của Bộ Tài chính cho biết...

Theo Báo điện tử eFinance

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang