Năm 2013: Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm
(eFinance Online) - Năm 2013, Bộ Tài chính được Quốc hội giao dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) 816.000 tỷ đồng, tổng chi cân đối NSNN 978.000 tỷ đồng; mức bội chi NSNN 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP, thu nội địa năm 2013 tăng từ 2% - 4% so với dự toán được Quốc hội thông qua, thu thuế xuất nhập khẩu phấn đấu tăng từ 1% - 2% so với dự toán được Quốc hội thông qua.

Để hoàn thành dự toán được giao, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới.  

Xây dựng và triển khai dự toán ngân sách nhà nước gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của ngân sách nhà nước, phản ánh được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn ngân sách nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực. Thực hiện cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tổng kết, đánh giá, kiến nghị giải pháp phù hợp đối với chính sách động viên, huy động, sử dụng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, công sản, đặc biệt là đất đai. Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện lộ trình cải cách phù hợp về chính sách phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo hướng đảm bảo khả năng thu hồi chi phí đầu tư để đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Tăng cường công tác chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế, nhất là các lĩnh vực, khoản thu có khả năng thất thu cao; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuế; tăng cường chế tài, thực thi pháp luật về thuế. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng xã hội.

Quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Hướng dẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tăng cường chất lượng, hiệu quả chi đầu tư phát triển từ NSNN, trái phiếu Chính phủ và các Chương trình MTQG: Đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa thị trường trái phiếu theo hướng tăng cường các công cụ nợ có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên. Thực hiện đẩy nhanh việc phân bổ, giao kế hoạch và bố trí vốn đủ 12 tháng vốn đầu tư XDCB, vốn trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn các Chương trình MTQG năm 2013 và các năm tiếp theo, kết hợp lồng ghép các Chương trình MTQG triển khai trên cùng địa bàn để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn. Thực hiện đầy đủ và nhất quán chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, xác định lộ trình và thứ tự ưu tiên hợp lý để xử lý nợ đọng XDCB, đặc biệt là quán triệt tinh thần của Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí hợp lý tỷ trọng vốn giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển, ưu tiên cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tích cực thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ khi thực sự cấp bách. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay.

Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi trong cân đối ngân sách nhà nước, các khoản chi được quản lý qua ngân sách nhà nước; vay về cho vay lại; bảo lãnh vay của Chính phủ; các khoản chi từ các quỹ tài chính Nhà nước; tích cực thu hồi các khoản vay, tạm ứng của các Bộ, địa phương. Thực hiện minh bạch hóa chi tiêu của ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Tiếp tục rà soát và nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách đối với người có công với cách mạng để kết hợp hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội;hỗ trợ cứu đói; hỗ trợ cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các chính sách chế độ phù hợp với thực tế và khả năng ngân sách. Bảo đảm cân đối ngân sách để thực hiện điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2013.

Theo Báo điện tử eFinance

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang